Khởi nghiệp từ chiếc võng nôi tự chế

16/03/2020 17:52 Số lượt xem: 1848
Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang được cổ vũ và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thanh niên. Không chỉ là những sinh viên được đào tạo bài bản về khoa học kỹ thuật, nhiều thanh niên nông thôn đam mê nghiên cứu, quyết tâm khởi nghiệp và xây dựng thành công mô hình làm kinh tế có ứng dụng kỹ thuật cao trên quê hương mình.

Sinh năm 1986 tại làng Thượng Trì, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, chàng trai Lê Quang Đức bắt đầu lập nghiệp cũng loay hoay như rất nhiều thanh niên làng khác. Sau khi tốt nghiệp một trường về cơ khí, Đức xin được chân công nhân ở Khu công nghiệp Tiên Sơn. Khi Đức có cậu con trai đầu lòng, mỗi lần ở gần con, ru con ngủ bằng chiếc võng của gia đình, Đức nảy ra ý tưởng làm một chiếc võng nôi tự động. Lúc này, trên thị trường đa phần chỉ có các sản phẩm võng xếp, hoặc nôi cũi trẻ với chức năng riêng. Cũng có một số nôi điện kết hợp 2 chức năng là hàng nhập ngoại với giá thành rất đắt, không phù hợp với nhu cầu của người dân.
Thế là trong hơn 1 năm, Đức đã phá tan bao chiếc nôi vốn được gia đình bày bán để tìm ra nguyên lý hoạt động, hiểu công dụng từng linh kiện tiến tới cải tiến để cho ra sản phẩm tự động hóa. Sáng chế đầu tiên là chiếc võng nôi tự động, sản phẩm này trước hết được vợ Đức rất ủng hộ vì việc ru con đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sau đó, Đức bắt tay ngay vào việc thương mại hóa sáng chế. Điểm mấu chốt của sản phẩm là bộ mô tơ điện được thiết kế và đặt hàng một doanh nghiệp ở Nhật. Nhiều thiết bị sản xuất như máy hàn, máy uốn và một số linh kiện cũng được đặt riêng tại các nhà máy ở Trung Quốc, Nhật Bản cho phù hợp. Sản phẩm võng nôi tự động đầu tiên “Made in Việt Nam” của Đức đã khá hoàn thiện: Khung nôi sơn tĩnh điện chắc chắn, hộp máy đưa nhịp nhàng, đều êm, tạo giấc ngủ ngon cho trẻ. Trong lòng nôi có tầng lưới thoáng mát và chịu lực cao, tầng đáy là 1 lớp ván ép dày, khi cài vào khung sẽ làm thành 1 chiếc giường vững chắc. Chỉ cần cắm điện là nôi tự động ru em bé ngủ, khi không dùng nôi, dễ dàng chuyển sang chế độ võng cho bé nằm. Đến cuối năm 2015, Đức thuê đất và xây dựng nhà xưởng diện tích 1.500 m2 ngay tại thôn Thượng Trì và thành lập Công ty TNHH sản xuất và thương mại võng nôi Đại Vĩ để tăng sản lượng cung ứng ra thị trường.

 

Lê Quang Đức với sản phẩm võng nôi tự động do mình cải tiến chế tạo ra.


Giữa năm 2016, với sản phẩm hoàn chỉnh nhất đề nghị, Đức đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Võng nôi Đại Vĩ. Nhờ chứng nhận về chất lượng, sản phẩm võng nôi Đại Vĩ rộng đường tiêu thụ ở mọi miền đất nước. Hàng năm, Công ty sản xuất và bán ra thị trường hơn 5.000 sản phẩm, với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài sản phẩm chính, doanh nhân trẻ cũng gia công và đặt hàng thêm một số mặt hàng phục vụ cho trẻ em như: giường sơ sinh, nôi cũi, đồ chơi, xe tập đi… cùng với võng xếp cho người lớn, giường, ghế gấp các loại. Doanh nghiệp của Đức còn tích cực áp dụng thương mại điện tử để phát triển thị trường. Sản phẩm võng nôi Đại Vĩ được tìm kiếm dễ dàng thông qua các kênh Facebook, Zalo, Shopee, Tiki… để giao hàng tận nhà, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, ngoài mở kênh phân phối tại 63 tỉnh, thành, sản phẩm còn xuất khẩu được sang nước bạn Lào, Campuchia.
Đến nay, khó khăn nhất của Đức là việc thiếu mặt bằng sản xuất. Nếu muốn mở rộng quy mô, tạo thêm nhiều việc làm cho các bạn trẻ, thì mặt bằng hiện tại chưa đủ. Tuy vậy, trong lúc nỗ lực tìm phương hướng giải quyết khác, Đức vẫn sẽ tối đa hóa năng suất làm việc của nhà xưởng hiện tại, tiếp tục tìm tòi, cải tiến ra những sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ thành công của bản thân, Đức thường xuyên tham mưu và trực tiếp tổ chức các phong trào thi đua, đặc biệt là hỗ trợ thanh niên làm kinh tế của Hội doanh nhân trẻ huyện Thuận Thành nơi anh là Ủy viên Ban Chấp hành. Trong nhiều buổi sinh hoạt, Đức không ngần ngại chia sẻ, khích lệ các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp và ý chí làm giàu. Đức thường nhấn mạnh: “Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, mỗi bạn trẻ khởi nghiệp phải tự tìm ra được lối đi riêng. Mà lối đi riêng ấy đòi hỏi phải tìm tòi, sáng tạo và kiên trì cải tiến sản phẩm dựa trên nền tảng kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Bởi thực chất nếu không có hàm lượng khoa học công nghệ cao từ khâu sản xuất, chế tạo đến thị trường thì rất khó để giảm giá thành, nâng cao năng suất chất lượng, từ đó gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và xây dựng nên thương hiệu thành công của bản thân mình”.

Song Giang