Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Động lực phát triển bền vững nâng cao vị thế của Bắc Ninh

15/05/2023 19:11 Số lượt xem: 761

Nguyễn Thị Dung
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ

Cách đây 60 năm, ngày 18-5-1963, tại một trong các sự kiện có ý nghĩa lịch sử của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đại hội lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Lời dạy của Người cũng chính là mục tiêu, sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra đối với ngành KH&CN nước nhà.
Đến năm 2013, năm mươi năm sau ngày Hồ Chủ tịch tuyên ngôn về sứ mệnh của nền KH&CN Việt Nam, ngày 18-5 hằng năm chính thức được chọn là Ngày KH&CN để xã hội và cộng đồng cùng trân trọng, tôn vinh lao động sáng tạo và cống hiến của lực lượng KH&CN. Các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam năm nay theo chủ đề: “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa Việt Nam”; “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nâng cao tiềm lực và vị thế quốc gia”; “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững”, đây cũng là những thông điệp của niềm tự hào, niềm tin và kỳ vọng của toàn xã hội đối với tri thức, tài năng và lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm công tác KH&CN.
Đáp lại niềm tin cậy đó, lực lượng KH&CN không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết và tâm sức để đưa nền KH&CN nước nhà phát triển, đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự thâm nhập ngày càng tăng của KH&CN vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội, lực lượng KH&CN đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được người dân và xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

 

Đoàn công tác của Bộ KH&CN thăm và làm việc tại Khu thực nghiệm sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao (Sở KH&CN).


Trong những năm qua Ngành KH&CN tỉnh ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn. Với sự tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan, Bắc Ninh đang trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư và chuyển giao KH&CN trong công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 16 Khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.400 ha; 35 Cụm công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 1.100 ha. Các Khu, Cụm công nghiệp đã thu hút được các nhà đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, Bắc Ninh đã thành lập Khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 17ha, thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ hiện đại. Toàn tỉnh đã hình thành 1.105 vùng lúa năng suất, chất lượng với quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở lên; hơn 70 vùng rau màu chuyên canh; 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích; có 57 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống đạt được nhiều kết quả tích cực, giai đoạn 2013-2023 có 390 nhiệm vụ KH&CN được nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất và đời sống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân và tăng cường hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước. Công tác quản lý về KH&CN từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Giai đoạn 2013-2023, Sở KH&CN đã cấp 61 Giấy chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ cho hơn 30 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, đã có ý kiến và thẩm định công nghệ 82 dự án, công nghệ; tiếp nhận đăng ký, hướng dẫn làm thủ tục để Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ đối với 2.434 nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 cho 166 cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, 118 doanh nghiệp áp dụng mã số mã vạch;...Toàn tỉnh có 201 doanh nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ trong công nghiệp và y tế với hơn 800 nhân viên bức xạ, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, kinh doanh và khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, 32 thương hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng được xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quy mô cấp tỉnh được tổ chức giúp lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từng bước hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ngành KH&CN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp tập trung mọi nguồn lực cho tăng cường tiềm lực KH&CN, khả năng nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu và làm chủ các tiến bộ khoa học công nghệ mới, nâng cao năng lực tiếp cận và thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng và phát triển công nghệ mới, tập trung công nghệ ưu tiên, có khả năng ứng dụng cao như: Ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường… Xây dựng và tổ chức mạng lưới hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH&CN; đề xuất chính sách thu hút đầu tư trong hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D)… Triển khai hiệu quả: Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2030; các chương trình, đề án KH&CN trọng tâm phục vụ các chương trình phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2020 - 2025. Thu hút các nguồn lực đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường quản lý thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường, công tác bảo đảm an toàn bức xạ hạt nhân, thông tin thống kê KH&CN, quản lý chuyển giao công nghệ, áp dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 trong công tác quản lý hành chính... Thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm lựa chọn, nghiên cứu, phát triển đồng bộ theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm chủ lực có tính liên vùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

N. T. D