Tuổi trẻ là mùa xuân

25/11/2019 20:19 Số lượt xem: 1784
Bài 3: “Cán bộ nào, phong trào ấy”

“Truyền lửa”, đưa phong trào đến với thanh niên, cho thanh niên, vì thanh niên, cuốn hút đối với thanh niên, thì vai trò của cán bộ Đoàn là yếu tố nòng cốt. Không thể có một phong trào Đoàn mạnh nếu thiếu đi những “thủ lĩnh” Đoàn dấn thân, năng động, nhiệt huyết…

“Miệng nói, tay làm”

Đó là câu “thần chú” của Bí thư Đoàn xã Lai Hạ (Lương Tài) Phạm Thu Thủy khi trò chuyện vui nhưng rất chân tình với chúng tôi. Nhiều người nói làm cán bộ Đoàn, phong trào Đoàn “bề nổi”, “dễ ợt”, nhưng người trong cuộc mới thấu hiểu trọn vẹn. Cán bộ Đoàn chỉ tay năm ngón, không nhúng tay vào việc thì phong trào chỉ mang tính hình thức. Bởi vậy, “Miệng nói, tay làm” chính là chìa khóa giúp Bí thư Đoàn xã Lai Hạ Phạm Thu Thủy đưa phong trào Đoàn cơ sở trở thành đơn vị dẫn đầu trong tỉnh thời gian qua.
Bí thư Đoàn xã Lai Hạ Phạm Thu Thủy trao học bổng và quà từ nguồn xã hội hóa cho em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 6, Trường THCS Lai Hạ.

Chúng tôi đến thăm em Phạm Thị Thúy (SN 1995) bị suy thận, ở thôn Thanh Khê vào một chiều muộn khi em đang cặm cụi chuẩn bị bữa tối. Thúy cho biết: “Trước đây em bị suy thận nặng, chỉ nằm một chỗ nhưng qua thời gian được chạy chữa, nay bệnh cũng đã đỡ hơn, em có thể làm một số việc nhà. Cám ơn tổ chức Đoàn xã luôn đồng hành, giúp đỡ em trong thời gian qua”. Thúy là một trong những trường hợp khó khăn được chị Thủy cùng Ban Thường vụ Đoàn xã trực tiếp đứng ra vận động xã hội hóa, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng qua mạng xã hội facebook. Tính từ năm 2017 đến nay, Thúy được Đoàn xã vận động quyên góp trao tặng gần 35 triệu đồng để chữa bệnh và lo cho cuộc sống. Hay như em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 6, Trường THCS Lai Hạ, ở thôn Văn Phạm - cũng là một trường hợp có hoàn cảnh éo le được Bí thư Đoàn xã Phạm Thu Thủy kêu gọi trao quỹ học bổng hàng tháng. Linh tâm sự: “Đó là món quà ý nghĩa, không chỉ là vật chất cần thiết mà còn là tấm lòng, động lực quan trọng để em có thể tiếp tục được đến trường”.
Triển khai xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Bí thư Đoàn xã Phạm Thu Thủy kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ gần 10 triệu đồng xây dựng, lắp đặt gần 30 thùng bê tông đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng ở các thôn, qua đó giúp nhân dân nêu cao ý thức bảo vệ môi trường. Hay để tạo nguồn quỹ, giúp đỡ các học sinh vượt khó học giỏi, gia đình chính sách tại địa bàn, chị cùng Đoàn xã đứng ra triển khai chương trình thu gom phế liệu, rác thải tái chế bán gây quỹ, hoặc Câu lạc bộ “Khát vọng tuổi trẻ” với số lượng hơn 20 đoàn viên thanh niên, được duy trì từ năm năm 2017 đến nay đã khẳng định “thương hiệu” của tuổi trẻ Lai Hạ và Bí thư Phạm Thu Thủy nói riêng.
Không giống như ở vùng nông thôn, hoạt động Đoàn tại địa bàn đô thị có đặc trưng riêng. Bí thư Đoàn phường Tiền An (thành phố Bắc Ninh) Nguyễn Quốc Mạnh là một thủ lĩnh Đoàn tiêu biểu của thành phố trong việc chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành cơ hội.
Nổi bật chính là mô hình “Lớp học tình thương” được triển khai từ năm 2017. Xuất phát từ thực tế tại địa bàn phường còn những gia đình khó khăn, trong đó có nhiều hộ đến thuê trọ có con em trong độ tuổi đi học. Anh Mạnh cùng Đoàn phường triển khai mở “Lớp học tình thương” vào dịp hè. Lớp học do giáo viên tại các Chi Đoàn trường học trên địa bàn phụ trách, dạy các em các môn văn hóa, kỹ năng sống, Dân ca Quan họ... Qua 3 năm triển khai từ năm 2017 đến nay, mô hình “Lớp học tình thương” của Đoàn phường thu hút hàng trăm lượt học sinh tham gia. Cùng với đó, để giúp đỡ các đối tượng học sinh vượt khó học giỏi tại địa bàn, Đoàn phường tham mưu, xin ý kiến Đoàn cấp trên và Đảng ủy, UBND phường duy trì hiệu quả chương trình “Cùng em đến trường”. Kết quả, trong 3 năm qua (2017-2019), Ban điều hành chương trình đã phối hợp trao tặng học bổng và quà cho gần 200 lượt học sinh, thiếu nhi vượt khó học giỏi tại địa bàn với số tiền gần 350 triệu đồng (nguồn kinh phí được xã hội hóa).
Thủ lĩnh Đoàn phường Nguyễn Quốc Mạnh cũng là người khởi xướng, triển khai thành công mô hình gắn kết, đồng thời xây dựng nội dung, chương trình hoạt động để “hút” các CLB, mô hình tình nguyện của học sinh, sinh viên hoạt động nổi bật đến với phong trào Đoàn tại địa bàn.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những cán bộ Đoàn “nói được, làm được”, tạo sức hút, đưa thanh niên đến với phong trào, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương. Điều đó đã minh chứng cho một điều: Ở đâu, cán bộ Đoàn trách nhiệm, năng động, dám nghĩ, dám làm, hết mình vì việc khó thì ở đó phong trào Đoàn sẽ sôi nổi, có hiệu quả cao và ngược lại.

Ghi dấu ấn qua các công trình, phần việc thanh niên
Những năm qua, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh luôn là một trong những đơn vị tiêu biểu với nhiều chương trình, phong trào trở thành “thương hiệu” trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên cả nước. Điều đó không thể thiếu vai trò của những người thủ lĩnh Đoàn, những nhân tố quan trọng thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết trong đoàn viên thanh niên. Họ chính là những người đã góp phần làm cầu nối đưa thanh niên đến với phong trào và ngược lại, đưa Nghị quyết của các cấp bộ Đoàn đến thanh niên, vào thanh niên, chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể, thiết thực với hàng nghìn công trình, phần việc thanh niên tiêu biểu, góp sức vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đoàn phường Tiền An tổ chức cho các em học sinh vượt khó học giỏi đi trải nghiệm tại làng gốm Phù Lãng (Quế  Võ).

Kết quả trong 20 năm qua (2000-2019), các cấp bộ Đoàn, tuổi trẻ toàn tỉnh đã ghi những dấu ấn nổi bật: Tham gia trồng và chăm sóc được hơn 800 nghìn cây xanh các loại; xây dựng mới 120 “Ngôi nhà nhân ái”, “Mái ấm thanh niên” trị giá hơn 5 tỷ đồng; khánh thành và bàn giao cho nhân dân các địa phương đưa vào sử dụng gần 470km đường điện chiếu sáng công cộng trong phong trào “Thắp sáng đường quê”; gắn 17 nghìn lọ hoa trên phần mộ các Anh hùng liệt sĩ trên toàn tỉnh trị giá 4 tỷ đồng; trao tặng gần 5 nghìn suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trị giá khoảng 16 tỷ đồng…
Thành Đoàn Bắc Ninh là một trong những đơn vị Đoàn nhiều năm liên tục nằm trong tốp đầu phong trào Đoàn cấp huyện của tỉnh với nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo, giá trị vì cộng đồng. Bí thư Thành Đoàn Bắc Ninh Trần Thu Hà trao đổi: “Trong mỗi giai đoạn, phong trào Đoàn lại có thuận lợi và khó khăn không giống nhau. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của sự phát triển, đòi hỏi cán bộ Đoàn không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ năng lực, nghiệp vụ để bám sát và đáp ứng nguyện vọng của các bạn trẻ. Làm cán bộ Đoàn không phải chỉ nắm con số thống kê thanh niên trên địa bàn. Tập hợp được thanh niên là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là phải dẫn dắt được hoạt động, đưa phong trào hấp dẫn đến cho thanh niên. Đối với địa bàn thành phố Bắc Ninh, thời gian qua các cấp bộ Đoàn luôn xác định rõ những phương châm này để triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động tiêu biểu như: Chương trình “Ngõ sáng tôi yêu”, công trình “Tường hoa thanh niên” nhằm xóa bỏ những điểm tập kết rác thải sai quy định, xây dựng môi trường sống sạch-đẹp”, CLB Rửa xe thanh niên…”.
Qua các phần việc tình nguyện có thể thấy, để có hoạt động hiệu quả, nhất là đơn vị Đoàn cơ sở, người cán bộ, thủ lĩnh Đoàn càng cần bám nắm địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để hòa mình vào phong trào. Đó chính là bí quyết để tạo cầu nối, gắn kết thanh niên đến với Đoàn, thúc đẩy phong trào từ cơ sở như lời dạy của Bác: “Cán bộ là tiền vốn của Đoàn. Có vốn mới làm ra lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn. Do vậy, phải có cán bộ Đoàn tốt thì mới có phong trào thanh niên phát triển”.
 
Việt Anh - Xuân Me