Phục hồi nhanh các KCN tạo động lực cho tăng trưởng

03/10/2022 19:42 Số lượt xem: 2176
Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế trong nước và trong tỉnh có sự phục hồi nhanh chóng nhờ các biện pháp hạn chế để phòng, chống đại dịch COVID-19 được nới lỏng. Các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả lớn trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho các KCN sản xuất kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Ngành chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò chính trong hoạt động xuất, nhập khẩu do nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này tăng cao… Những nhân tố này đã và đang phát huy mạnh mẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

 

 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,75%


Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KCN có mức ổn định và tăng trưởng khá, tiếp tục đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 9 tháng, các KCN có 25 dự án mới chính thức đi vào sản xuất kinh doanh, nâng tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động lên 1.175 dự án (vượt chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022). Sự tác động của các chính sách hỗ trợ, các hiệp định thương mại tự do tác động làm gia tăng giá trị xuất khẩu, cùng với các biện pháp linh hoạt trong chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch, sự mở của của các thành phần kinh tế, sự phục hồi nhanh của các doanh nghiệp, nhờ vậy sản xuất công nghiệp trong các KCN tăng cao so cùng kỳ.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.066.541 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ và đạt 82% kế hoạch; cán cân thương mại dịch chuyển sang hướng xuất siêu lên tới hơn 5,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 31,233 tỷ USD, tăng 14%, đạt 84% kế hoạch năm; giá trị nhập khẩu đạt 25,518 tỷ USD, tăng 30% và đạt 100% kế hoạch; đóng góp cho ngân sách 10.366 tỷ đồng, tăng 28%, đạt 83% kế hoạch năm…góp phần gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (IIP), tăng 11,75% so với cùng kỳ.

 

Các doanh nghiệp phục hồi nhanh đóng góp vào tăng trưởng giá trị sản xuất.


Có được kết quả trên, ngoài vai trò hỗ trợ của các chính sách, công tác quản lý sau đầu tư được đẩy mạnh, Ban Quản lý các KCN tiến hành nhiều hoạt động rà soát, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Hoạt động dịch vụ có nhiều cố gắng trong môi trường có sự cạnh tranh gay gắt với nhiều nhà cung cấp. Đặc biệt hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là vốn đầu tư nước ngoài.
Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh dự án thứ cấp vào các KCN Bắc Ninh trong 9 tháng đạt 1.060,58 triệu USD, trong đó 938,32 triệu USD vốn FDI và 122,26 triệu USD vốn trong nước. So với kế hoạch năm 2022, số dự án đăng ký cấp mới đạt 53,3% (56/105 dự án), nhưng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 92,2% (1.060,58/1.150 triệu USD). Với nguồn vốn thu hút mới này, càng thêm khẳng định ngành công nghiệp chế  biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực trong công nghiệp và tăng  trưởng kinh tế của tỉnh.


Tăng cường thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất


Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với đà phục hồi tích cực, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng - nơi hội tụ của nhiều thương hiệu toàn cầu đang đứng trước cơ hội đón “làn sóng” đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là ở những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Để tận dụng cơ hội, giải pháp 3 tháng cuối năm được Bắc Ninh đưa ra đó là: Thu hút và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; đẩy  nhanh tiến độ đầu tư giải phóng mặt bằng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng và triển khai các KCN để tiếp tục thu hút đầu  tư phát triển loại hình phân phối hiện đại. Tăng cường liên kết hiệu quả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.  Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, tạo môi trường đầu tư và  kinh doanh thuận lợi, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, mạnh và tăng công  suất sản lượng, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

 

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có mức tăng trưởng cao nhất.

 

Tuy có nhiều nhân tố tích cực, nhưng trong thời gian tới, hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn có những khó khăn, thách thức từ tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại hậu COVID -19. Đồng USD tăng tác động bất lợi đến nhập khẩu, do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu; Giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế VAT chậm ảnh hưởng đến xoay vòng vốn, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng sẽ trở nên gay gắt hơn…
Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần theo dõi sát tình hình trên thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn để nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào; kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu… cho sản xuất và sinh hoạt. Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như xăng dầu, điện, than…

Thái Uyên