Một lần đến đảo An Bang

29/04/2023 08:54 Số lượt xem: 1959
Trong chuyến công tác, hành trình đến với hơn 10 đảo nổi, đảo chìm thuộc Quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), ấn tượng nhất với chúng tôi là được ghé thăm đảo An Bang. Ở nơi đây, có thể cảm nhận một cách chân thực nhất về sự khắc nghiệt của biển cả, như một chiến sĩ Hải quân nói vui: “Các đồng chí đến được An Bang, nếm mùi sóng gió An Bang là xem như đã đi hết Quần đảo Trường Sa rồi”.

 

Sau gần một ngày đêm hành trình trên biển, tàu 561 chở đoàn công tác chúng tôi cũng đến được An Bang. Vì điều kiện địa hình, thời thiết khắc nghiệt, thất thường nên tàu phải neo cách đảo khoảng 2 hải lý (khoảng gần 4 km), sau đó vận chuyển người, phương tiện bằng xuồng vào đảo. Nhìn từ xa, An Bang  hiện lên ấn tượng với vẻ đẹp kỳ vĩ như câu hát “Đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang”.
Trong khi chuẩn bị đồ nghề để xuống xuồng vào đảo, đồng chí thuyền viên-chiến sĩ Lê Văn Khánh dặn đi dặn lại: Việc lên xuống xuồng mọi người phải tuyệt đối tuân theo hiệu lệnh của chỉ huy. Mọi hành động phải thật nhanh và chính xác thì mới có thể đảm bảo an toàn. Bình thường, xuồng chở được từ 12 đến 16 thành viên lên đảo, song hôm nay do sóng to gió lớn, mỗi chuyến chỉ chở 5 thành viên cùng 3 thủy thủ đoàn.
Ngồi trên chiếc xuồng nhỏ giữa mênh mông biển cả, chúng tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của sóng gió Trường Sa. Những cơn sóng dữ có lúc đưa con xuồng lên cao rồi bất chợt kéo tụt xuống đến vài ba mét như nhấn nhìm chiếc xuồng, rồi lại ngoi lên như chú cá voi bổ nhào trên mặt biển. Khi đến gần bãi san hô của đảo, lái xuồng lựa theo cơn sóng dùng hết sức ném dây thừng về phía “Đội cảm tử” đang đợi trên bờ nhưng hai lần đều thất bại vì sóng gió quá lớn. Tiếp đến lần thứ 3 khi các chiến sĩ “Đội cảm tử” chộp được dây thừng thì đúng lúc cơn sóng mạnh khiến xuồng chao đảo, các chiến sĩ trên bờ nhanh chóng triển khai ứng cứu cùng hô kéo xuồng lên bãi cát và hỗ trợ người, hàng hóa xuống xuồng. Sau gần nửa giờ đồng hồ “chiến đấu” với những cơn sóng giữ, đoàn công tác chúng tôi cũng cập được đảo An Bang an toàn.
Đại úy Phan Văn Anh, Chính trị viên đảo An Bang chia sẻ: Do thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong, vì thế đảo đã thành lập một đội công tác đặc biệt gọi là “Đội cảm tử” gồm các chiến sĩ không chỉ khỏe mạnh, giỏi bơi lội, mà còn có lòng dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy. Họ có trách nhiệm đón đưa khách, vận chuyển hàng hóa, kéo xuồng để giúp những chuyến ra/vào đảo được an toàn. Đây là một nhiệm vụ, nhưng cũng là bài tập để rèn luyện sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.  
Đẹp kỳ vĩ là thế, song đảo An Bang có địa hình, thời tiết rất đặc biệt. Đảo nằm trên đỉnh thềm san hô hình cây nấm, được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp, bờ Nam bãi cát thường hay thay đổi theo mùa, vì vậy, cồn cát trắng cũng dịch chuyển xung quanh đảo. Cứ vậy, chu kỳ một năm, bãi cát lại quay về vị trí cũ. Cũng vì thế mà An Bang còn hay được gọi là đảo “đồng hồ”, bởi những người lính đảo ở đây thường nhìn vào vòng xoay của bãi cát để đếm thời gian.
Sóng ở đảo cũng rất khác thường, sóng dữ dội, cứ trùng trùng lớp lớp sóng bạc đầu vây quanh hòn đảo nhỏ. Có những lúc sóng cao trùm cả cột đèn chiếu sáng hơn 6m trên đảo. Sở dĩ không có tàu thuyền nào dám mạo hiểm tiến gần bờ đảo An Bang vì bước chân ra đã là mép biển xanh thẫm, với thềm san hô dựng đứng. Cũng vì thế nên ở An Bang không thể xây dựng cầu cảng vào đảo. Việc ra vào đảo do đó gặp muôn vàn khó khăn, ngay cả khi thời tiết thuận lợi nhất. Khó khăn là vậy, song trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên đảo An Bang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, được các cấp, ngành tuyên dương, khen thưởng.
Để kịp thời gian cho chuyến hải trình, đoàn công tác chúng tôi chỉ có gần 2 giờ đồng hồ trên đảo An Bang, song “Nàng tiên nữ, đẹp dịu dàng” để lại trong mỗi người thật nhiều những cảm xúc lắng đọng không thể nói hết bằng lời. Đặc biệt ở nơi đây, hình ảnh, câu chuyện về “Đội cảm tử” đi vào huyền thoại như một tượng đài bất tử, kiên trung nơi biển đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuân Me