Không gian tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh

02/04/2020 19:17 Số lượt xem: 5194
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian bản địa thuần Việt, có lịch sử lâu đời, có sức mạnh lớn xuyên suốt lịch sử, đa dạng hình thức biểu hiện với sự biến chuyển thích ứng cùng những thay đổi của xã hội. Từ nền văn minh nông nghiệp, biểu hiện ban đầu của tín ngưỡng thờ Mẫu là tục thờ các nữ thần đại diện cho thiên nhiên như mẹ Đất, mẹ Nước, mẹ Lúa... Người Việt chọn hình tượng Mẫu - Mẹ để tôn vinh, thờ phụng, trao gửi niềm tin với mong muốn được che chở và ban điều lành trong cuộc sống.

Bắc Ninh là một miền đất cổ có nền văn hiến lâu đời do đó tín ngưỡng thờ mẫu xuất hiện khá sớm và phong phú, đa dạng hình thức như: Thờ vương mẫu Thánh Gióng, Quốc mẫu Âu Cơ, mẫu Tam Giang, mẫu Phạm Thị, Thánh mẫu Ỷ Lan, Bà Chúa Kho, bà chúa Dâu tằm, bà chúa Lẫm, bà chúa Sành, Vua Bà Thủy tổ Quan họ, Tiên thiên thánh mẫu Tồ Cô ở vùng Tiên Du, Thánh mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, hệ thống Tứ Pháp, hệ thống di tích thờ các nữ Anh hùng là các nữ tướng của Hai Bà Trưng như Côn Nương, Ả Tắc, Ả Dị...
Có thể thấy, nhân vật Mẫu được thờ mở rộng theo tiến trình lịch sử, từ các vị thần tự nhiên, thần nông nghiệp đến các nữ Anh hùng, Công chúa, Hoàng hậu hay bà tổ nghề được lịch sử hóa hoặc nhân cách hóa gắn với nhiều huyền tích, khi sống tài giỏi có công với dân với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho dân khang vật thịnh. Họ là những vị thần quyền năng màu nhiệm như người mẹ bao dung che chở vừa huyền bí vừa gần gũi...
Giới nghiên cứu chỉ ra đặc trưng của tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Ninh tập trung vào các hoạt động thờ cúng, tế lễ trong dịp lễ hội gắn với nghi thức diễn xướng dân gian hát chầu văn hoặc hầu đồng. Các vị thần hiện lên qua sự nhập vai của các thanh đồng với xiêm y, vũ đạo, âm nhạc, lời ca phong phú sắc màu, khắc họa cuộc đời, công lao của các vị thần. Giá trị nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Ninh thể hiện qua những bài chầu văn, câu chuyện lịch sử lồng vào những điệu múa, lời ca, trang phục, cách thức bài trí đền đài... Qua thời gian với những giao thoa, tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Ninh có đặc trưng riêng song vẫn mang vẻ đẹp chung của văn hóa thờ mẫu người Việt, tôn vinh truyền thống yêu nước, hướng về cội nguồn, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong truyền thống, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu là trung tâm của không gian tín ngưỡng thờ mẫu Tứ Pháp ở vùng Dâu-Luy Lâu, Thuận Thành.

 

Hầu hết làng xã trong tỉnh thực hành tín ngưỡng thờ mẫu vì phần nhiều các ngôi chùa đều có ban thờ Mẫu và còn có 41 ngôi đền thờ Mẫu. Theo khảo sát thống kê, thành phố Bắc Ninh tập trung số lượng di tích thờ mẫu nhiều và đa dạng nhất với 15 di tích thờ mẫu, tiêu biểu như Đền Bà Chúa Kho, đền Khúc Toại thờ mẫu Liễu Hạnh, đền Điều Sơn thờ mẫu Thánh Gióng, đền thờ bà Tấm-Nguyên Phi Ỷ Lan; các di tích thờ mẫu Thánh Tam Giang-Phùng Thị Nhan, đền Vua Bà, đền bà chúa Lẫm, bà chúa Sành, đền Cùng thờ nhị vị công chúa Ngọc Dung và Thủy Tiên...
Huyện Yên Phong có đền Đại Lâm thờ mẫu Liễu Hạnh, đền Phấn Động thờ Trần Hưng Đạo, đền bà chúa Chóa-bà chúa dâu tằm. Huyện Gia Bình với trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu là đền Tam Phủ thờ mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn, mẫu Thoải. Huyện Thuận Thành có đền Á Lữ thờ Quốc mẫu Âu Cơ; đền thôn Thanh Tương thờ Thạch Biểu công chúa; đền thôn Đại Trạch thờ mẫu Trần Hưng Hồng và bà ba Cai Vàng là nữ Anh hùng dân tộc đầu thế kỷ XX... Đáng kể là tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở vùng Dâu-Luy Lâu khẳng định sự giao thoa, đan xen giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa thờ nữ thần nông nghiệp. Thị xã Từ Sơn có đền Miễu thờ thánh mẫu Phạm Thị Ngà-mẹ Vua Lý Công Uẩn; đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng. Các địa phương khác như Quế Võ, Tiên Du cũng sở hữu những di tích thờ mẫu, điển hình là huyền tích bà Tồ Cô ở Tiên Du với truyền thuyết xung quanh núi Nguyệt Hằng (núi Chè) thuộc xã Liên Bão, Hoàn Sơn.
Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đang phát triển với nhiều nét văn hóa đặc thù trong quá trình thực hành diễn xướng với phong phú giá trị như nghệ thuật kiến trúc ở các đền, điện, phủ với cách bài trí hoa văn, bức tượng được chạm khắc tinh tế cho đến truyền thuyết, thơ ca, câu đối, âm nhạc, vũ đạo... Bên cạnh đó là giá trị về truyền thống đạo đức tốt đẹp của lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình nghĩa đồng bào tương thân tương ái, tính cố kết cộng đồng, truyền thống uống nước nhớ nguồn và những mong ước về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ người dân. Muốn phát huy vẻ đẹp và những giá trị tiến bộ, tích cực, hạn chế biểu hiện biến tướng trong thực hành tín ngưỡng thờ mẫu đòi hỏi sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, đặc biệt là ý thức thực hành di sản của các thanh đồng... từ đó ngày càng khẳng định vị trí của di sản trong đời sống tinh thần, gìn giữ vẻ đẹp dân gian phong phú của loại hình tín ngưỡng này, góp phần làm giàu giá trị, sự đa dạng trong bức tranh văn hóa quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc thời kỳ hội nhập toàn cầu.

V.Thanh