Lên Đắk Lắk, chạnh lòng nghe chuyện Chú voi con ở Bản Đôn

14/12/2018 08:29 Số lượt xem: 6232
Bài hát Chú voi con ở Bản Đôn của nhạc sĩ Phạm Tuyên với giai điệu trong trẻo, ca từ mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc đã thấm sâu trong tâm thức và làm mê đắm nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam: Chú voi con ở Bản Đôn - Chưa có ngà nên còn trẻ con - Từ rừng già chú đến với người - Rất ham ăn với lại ham chơi…

Bài hát nổi tiếng là thế, nhưng ít ai biết rằng, chú voi ấy có một số phận đặc biệt và rất đáng thương. Chú qua đời khi bài hát của người nhạc sĩ tài hoa Phạm Tuyên mới cất lên được khoảng 6 tháng. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đắk Lắk cũng đã góp phần làm cho bài hát được thăng hoa trong lòng người dân, nhất là thiếu nhi Tây Nguyên khi quyết định lấy bài hát làm nhạc hiệu của Đài suốt một thời gian dài.
Trong chuyến công tác Tây Nguyên mới đây, chúng tôi được đồng nghiệp Báo Đắk Lắk dẫn lên thăm Trung tâm du lịch Buôn Đôn (Buôn Đôn hay Bản Đôn đều là một, theo cách gọi của người Lào hoặc người Ê đê, thuộc huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Đây là địa chỉ du lịch nổi tiếng về săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà; huấn luyện voi rừng hung hãn thành voi nhà hiền lành chở khách du lịch trên dòng sông Sêrepok chảy ngược từ Đông sang Tây, sang nước bạn Campuchia.
Quãng đường rừng khoảng 50 cây số từ thành phố Buôn Mê Thuột đến Buôn Đôn, chúng tôi khá hào hứng khi được nghe nữ phóng viên Quỳnh Anh kể những câu chuyện thật mà như giai thoại về vua săn voi Ama Kong của đại ngàn Tây Nguyên. Trong hơn trăm năm cuộc đời (1909-2012), vua Ama Kong đã săn bắt tổng số 298 con voi rừng, lần săn voi cuối cùng vào năm 1996, Ama Kong bắt được 7 con voi, sau đó ông chuyển sang làm huấn luyện voi cho vườn quốc gia Yok Đôn. Ama Kong có 4 vợ, 21 con và 118 cháu chắt. Ngoài săn bắt voi, người đàn ông dân tộc M Nông ấy còn nổi tiếng với bài thuốc gia truyền bổ thận, tráng dương được nhiều người ca ngợi. Loại thuốc này đang được con gái Ama Kong bày bán tại nhà ông trong khu du lịch Buôn Đôn… Hết chuyện vua săn voi Ama Kong là một cảm giác chạnh lòng khi nghe chuyện thật về số phận của chú voi nguyên mẫu trong bài hát Chú voi con ở Bản Đôn của nhạc sĩ tài hoa Phạm Tuyên.

 

Du khách cưỡi voi trên dòng Sêre pôk.


 Năm 1983, ba nhạc sĩ nổi tiếng là Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn và Hoàng Vân có đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác nhạc cho thiếu nhi tại Tây Nguyên. Các ông được cán bộ tỉnh giới thiệu đến Buôn Đôn xem voi, nhưng hôm ấy, đoàn voi lớn đi rừng làm việc hết, quanh bản chỉ toàn voi con. Nhạc sĩ Phạm Tuyên ấn tượng với chú voi nhỏ nhất, nhưng cũng dễ thương nhất mới chừng 6 tháng tuổi đang bị nhốt ở góc nhà. Đó là chú voi con lạc mẹ, được bà con buôn làng tìm thấy ở bìa rừng gần một ngôi mộ cổ rồi mang về nuôi, chứ không phải voi nhà sinh ra.
Trước đông đảo bà con Buôn Đôn, nhạc sĩ dí dỏm: “Không có voi to thì sáng tác về voi con vậy”. Ai cũng ngỡ ông đùa, không ngờ chỉ trong một buổi chiều, nhạc sĩ đã có sản phẩm là Chú voi con ở Bản Đôn. Bài hát mang giai điệu âm nhạc Êđê thân thuộc với ca từ ngộ nghĩnh, đáng yêu đã nhanh chóng chiếm trọn trái tim của thiếu nhi Tây Nguyên và trở thành biểu tượng của tỉnh Đắc Lắk. Khoảng 2 năm sau khi Chú voi con ở Bản Đôn đã nổi tiếng khắp cả nước, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại được ông Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk mời lên thăm Buôn Đôn, nghe thiếu nhi Tây Nguyên hào hứng hát Chú voi con ở Bản Đôn. Tiếc rằng, lần trở lại Buôn Đôn của nhạc sỹ thì chú voi con dễ thương hai năm trước chỉ còn là… tiêu bản, hiện được trưng bày ở ngôi nhà dài đặc trưng của người Ê đê trong khu Trung tâm du lịch Buôn Đôn.
Chị Thu Giang, hướng dẫn viên Trung tâm du lịch Buôn Đôn cho hay, từ xưa người Ê đê vốn thành thục việc thuần hóa voi rừng thành voi nhà, nhưng phải là voi từ 2 đến 4 tuổi, có thể xa mẹ được. Riêng chú voi con nguyên mẫu trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên mặc dù được Trung tâm du lịch Buôn Đôn nhận chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng đây là công việc cực kỳ khó khăn vì chú lạc mẹ khi mới 6, 7 tháng tuổi sức đề kháng kém, không chịu ăn uống, lại không quen với cuộc sống mới trong buôn làng nên chỉ khoảng nửa năm sau sức khỏe suy kiệt và chết. Chính vì hoàn cảnh đặc biệt, phần vì đây là nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng ra đời của bài hát Chú voi con ở Bản Đôn nên Trung tâm quyết định mang ướp xác voi con và lưu giữ tiêu bản tại Nhà trưng bày và thuyết trình Trung tâm du lịch Buôn Đôn phục vụ khách tham quan.
Không chỉ du khách chạnh lòng khi lên Đắk Lắk, đến Buôn Đôn, được nghe chuyện thật về Chú voi con ở Bản Đôn, mà ngay cả nhạc sĩ Phạm Tuyên, cha đẻ của bài hát trên lần trở lại Tây Nguyên năm 1985 cũng không khỏi ngậm ngùi khi biết chú voi nguyên mẫu, nguồn cảm hứng cho sáng tác của ông đã qua đời.
Điều may mắn còn lại có thể bù đắp cho nỗi ngậm ngùi của người nhạc sĩ tài hoa có lẽ là lời Bài hát Chú voi con ở Bản Đôn với giai điệu trong trẻo, ca từ mộc mạc, dễ nhớ, dễ thuộc thì vẫn sống mãi trong tâm thức và làm mê đắm nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam…

Thanh Tú