“Được gặp Bác Hồ là diễm phúc lớn của đời tôi”

09/18/2018 08:53 View count: 2639
Đó là tâm sự của bà Ngô Thị Thận, nguyên cán bộ ngành lương thực Hà Bắc, nghỉ chế độ từ năm 1992. Bà Thận người thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn (thị xã Từ Sơn), hiện cư trú ở số nhà 283 đường Nguyễn Trãi, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh).

Bà Ngô Thị Thận bồi hồi bên bức ảnh lịch sử.

Trong bức ảnh nổi tiếng (hiện không rõ tác giả): Bác Hồ với thiếu nhi Tam Sơn, chụp ngày 9-2, tức mùng Một tết Đinh Mùi 1967, bà Thận may mắn được lọt vào ống kính, được tận mắt thấy Hồ Chủ tịch kính yêu bằng xương bằng thịt với gương mặt, ngôn ngữ, cử chỉ, lời nói… quá đỗi thân tình. Bà Thận chia sẻ: Ấn tượng lớn nhất về vị cha già dân tộc chính là đôi mắt của Người. Đôi mắt đầy sức truyền cảm ấy chỉ cần dừng lại ở ai một giây là đủ gây niềm tin cậy. Vì cố chen chân đứng gần Bác nên cô nữ sinh Ngô Thị Thận ngày ấy được ngắm Người rất rõ.
Cầm bức ảnh nổi tiếng, cũng là kỷ vật thiêng liêng trên tay, bà Thận rưng rưng: Năm 1967, khi ấy tôi là học viên trường lương thực Lạng Giang đang nghỉ tết tại quê nhà Tam Sơn. Sớm ngày mùng Một Tết Đinh Mùi, khi biết tin Bác Hồ về thăm, gặp mặt đại biểu thiếu nhi các dân tộc tỉnh Hà Bắc tại chùa Cảm Ứng, còn gọi là chùa Tam Sơn, tôi mừng phát khóc, vắt chân lên cổ chạy một mạch gần cây số từ nhà ra trường Tam Sơn. Đến nơi, tôi thấy các đại biểu đã tập trung đông đủ, mọi ánh mắt ngước lên đỉnh núi cùng reo hò, vỗ tay: Bác Hồ! Bác Hồ! Tôi cũng ngước lên, thấy Bác Hồ đang từ trên núi đi xuống, tay cầm mũ vẫy chào mọi người. Bác vừa bước xuống, mọi người cùng ùa đến quây kín Người, một cảm xúc lâng lâng đến khó tả. Bác ngoài đời thân gần, tự nhiên và đẹp hơn trong ảnh nhiều, như là người thân trong gia đình vậy, càng ấn tượng khi Bác bắt nhịp để mọi người cùng đồng ca bài Kết đoàn:
“Kết đoàn chúng ta là sức mạnh-Kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững. Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém bền vững. Chúng ta thề phá tan quân thù, thực dân, đế quốc, sài lang với phe phản động, ta đập tan hoang. Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo bừng trong ánh dương, xây đời mới trong dân chủ mới!”.
“Rồi thật kỳ lạ, khi mọi người còn đắm chìm, thăng hoa cảm xúc theo lời bài hát Kết đoàn thì Bác kính yêu đã lẳng lặng rời đám đông lúc nào không hay. Sau này tôi mới biết, đấy là cái hay, cái độc đáo trong công tác bảo vệ lãnh tụ của Đảng và Nhà nước. Người đến một đường, về một đường nhưng vẫn để lại cho các cháu thiếu nhi muôn vàn tình thương yêu”. - Bà Thận bồi hồi kể.
Trong câu chuyện, tôi thấy bà Ngô Thị Thận cứ nhắc đi nhắc lại rằng, dù chỉ được gặp Bác chừng mươi phút, nhưng đã là diễm phúc lớn của đời bà. Nhớ lời Bác, trong suốt mấy chục năm công tác và cả trong cuộc sống thường nhật khi nghỉ hưu, bà Thận luôn nỗ lực là người cán bộ đảng viên gương mẫu có ý chí vươn lên; trong gia đình bà là người vợ, người mẹ đảm đang luôn nhận những việc khó về mình.
Bà Thận kể tiếp, do hoàn cảnh, năm 39 tuổi bà mới lập gia đình với người đồng nghiệp lớn tuổi góa vợ và đã có 5 mặt con, trong đó 2 con riêng của chồng còn nhỏ được bà trực tiếp nuôi dưỡng. Bù lại, ông bà có chung với nhau 2 cô con gái chăm ngoan học giỏi, một cô sinh năm 1984, một cô sinh năm 1987, từng là sinh viên trường Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện cả hai đã lập gia đình và có công việc ổn định tại Bắc Ninh, gần nhà bố mẹ. Với bà Ngô Thị Thận, hạnh phúc tuy đến muộn nhưng vô cùng ý nghĩa và ở tuổi ngoài 70, bà cảm thấy khá hài lòng với cuộc sống hiện tại.
“Được gặp Bác Hồ là diễm phúc lớn của đời tôi”, lời tâm sự của Bà Ngô Thị Thận có lẽ cũng là suy nghĩ chung của những người từng vinh dự được gặp Bác, vĩ nhân của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Trong ngôi nhà nhỏ trên con đường sôi động mang tên danh nhân Nguyễn Trãi (thành phố Bắc Ninh), thi thoảng nhớ Bác, cũng là để nhớ lại thời thanh xuân, bà Ngô Thị Thận lại mang bức ảnh “Bác Hồ với thiếu nhi Tam Sơn” tết Đinh Mùi 1967 ra coi. Coi xong, bà lau chùi cẩn cận và treo lên đúng vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà…

Thanh Tú