Phác thảo bức tranh cổng làng Bắc Ninh, từ truyền thống đến hiện đại

04/06/2020 20:13 Số lượt xem: 5302
Người xưa quan niệm “nhà có nóc, làng có cổng”. Dù giàu hay nghèo nhưng mỗi làng đều gắng xây cổng vững chắc xem như “bộ mặt” của làng. Gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh tiến hành phục dựng và xây mới cổng làng. Tuy nhiên, cần có những hướng dẫn cụ thể để việc xây dựng cổng làng hài hòa với cảnh quan, tôn vinh ngôi làng, để chỉ cần ngang qua cổng làng, người thiên hạ cũng thấy được phần nào cốt cách, đặc tính văn hóa, nếp làng...

Cổng cổ làng Diềm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Các nguồn sử liệu và dấu tích còn lại cho thấy, xưa kia cổng của các làng Việt cổ vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc thường được làm bằng tre, nứa, gỗ. Về sau, các làng có điều kiện mới xây dựng cổng làng bằng chất liệu bền vững như đá, gạch, vôi, cát... Về mỹ thuật được trang trí hoa văn, chữ nghĩa khá cầu kỳ. Một số cổng làng đẹp còn để lại những dấu ấn đến ngày nay như: Cổng làng Văn Trung, xã Tân Chi, Tiên Du; cổng làng Đồng Kỵ, phường Đồng Kỵ; cổng làng Tam Sơn, xã Tam Sơn...

Thời phong kiến, nhiều khi danh giá của làng quyết định tầm cỡ cổng làng. Làng khá giả thì cổng lớn, trang trí rồng chầu, hổ phục, nóc mái và đầu đao có khi kết đôi chim phượng. Làng nào có nhiều người đỗ đạt, làm quan thường được vua ban cho quyền xây cổng lớn nhưng cũng không được vượt quá những qui định của luật lệ. Không ít làng dựng hai cổng, gồm cổng tiền và cổng hậu, thậm chí có làng dựng 4 cổng ở bốn phía. Cổng tiền thường hướng về phía Đông Nam, hướng của gió lành, hướng của mặt trời mọc để đón những niềm sinh khí tốt trong cuộc sống, lao động và hạnh phúc. Cổng hậu, thường hướng ra phía Tây, hướng mặt trời lặn, để tiễn đưa những tai ương, buồn rầu.
Giá trị về mặt cảnh quan, hành chính của cổng làng có lẽ không cần nói thêm. Về mặt văn hóa cổng làng phản ánh thuần phong mỹ tục của từng làng và thường được đặt ở vị trí có phong thủy tốt nhất mà một số nhà nghiên cứu cho rằng, cổng làng thường hài hòa, cân đối với kiến trúc đình, chùa của làng.
 Trải thăng trầm lịch sử, ngày nay cổng làng - biểu tượng bề dày lịch sử và văn hoá của làng quê Bắc Ninh đang dần đi vào quên lãng bởi tốc độ của đô thị hóa. Nhà tầng với nhiều kiểu kiến trúc pha tạp mọc lên giữa những làng quê bao đời mộc mạc, bình dị đã phá vỡ không gian cảnh quan đặc trưng của nông thôn trải suốt mấy trăm năm lịch sử, đồng thời cũng làm đứt gãy, phôi pha nền văn hóa vốn giàu có của làng xã truyền thống.
Thời gian gần đây, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đã nở rộ phong trào phục dựng hoặc xây dựng mới các cổng làng theo kiểu truyền thống. Song nhìn chung, việc xây dựng cổng làng hiện nay chủ yếu tự phát, chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn, bởi vậy mà quy mô, kích thước, hình thức phụ thuộc vào thực lực kinh tế của từng thôn làng, dẫn đến tình trạng có cổng làng quy mô nhỏ, hình thức đơn giản nhưng cũng nhiều cổng làng được xây dựng công phu, đồ sộ lãng phí. Hình thức nghệ thuật kiến trúc cổng làng chưa thể hiện được bản chất văn hóa truyền thống, sự gần gũi, thân thuộc vốn có của làng quê Bắc bộ. Nhiều địa phương đang có sự nhầm lẫn, đồng nhất khái niệm cổng làng với cổng chào…
Cuối năm 2018, sau loạt phóng sự dài kỳ “Lại chuyện… cổng làng” được Báo Bắc Ninh phản ánh, năm 2019, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cùng các địa phương trong tỉnh rà soát hiện trạng và đề xuất phương án xây dựng cổng làng tỉnh Bắc Ninh. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát hiện trạng cổng làng theo từng tiêu chí: Cổng làng hiện có; cổng làng cổ (xây dựng trước 1945) và hiện trạng; cổng làng mới (xây dựng sau năm 1945) và hiện trạng; cổng làng cần khôi phục nguyên gốc; cổng làng cần tu bổ tôn tạo; cổng làng cần được xây dựng mới.
Các tiêu chí này được phân chia và quy ước thành 4 nhóm: Nhóm 1- Cổng làng được xếp hạng theo Luật Di sản; nhóm 2- Cổng làng ở các thôn, làng nghề, làng Quan họ, làng có di tích cấp quốc gia, hoặc các làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 10 năm liên tục trở lên; nhóm 3- Cổng làng ở các thôn làng có di tích xếp hạng cấp tỉnh hoặc đã có quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao được duyệt; nhóm 4- Cổng làng ở các thôn, làng còn lại. Các tiêu chí và từng nhóm nội dung được lập bảng biểu phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố để gửi đến từng thôn làng trong tỉnh.
Kết quả rà soát, tổng hợp bước đầu toàn tỉnh hiện có 81 cổng làng còn nguyên trạng; 66 cổng làng xuống cấp cần khắc phục sửa chữa; 56 cổng làng vốn có nhưng bị hủy hoại hoàn toàn và 357 làng không có cổng (có thể xây dựng mới). Tổng hợp theo nhóm: Không có cổng làng nào thuộc nhóm 1; nhóm 2 có 153 cổng làng, nhóm 3 có nhiều nhất với 370 cổng làng và 31 cổng làng thuộc nhóm 4.

Cổng làng Lim, Thị trấn Lim, Tiên Du.


Thực tế, việc xây dựng cổng làng là cần thiết cùng với hệ thống di tích đình, đền, chùa và ao hồ, cây xanh sẽ góp phần tái hiện, giữ gìn bản sắc làng quê khi Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cổng làng cũng là biểu tượng khơi dậy niềm tự hào, truyền thống cố kết làng xã, thu hút khách du lịch và góp phần thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật hay các văn bản quy định nào hướng dẫn xây dựng cổng làng, kể cả trong tiêu chí Nông thôn mới. Thực tế đó đòi hỏi cần xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn về bảo tồn và xây mới cổng làng trong thời kỳ đổi mới hiện nay nhằm giải quyết hài hòa giữa bảo tồn yếu tố nguyên gốc và tính hiện đại của ngôi làng phù hợp với xu thế thời đại mới.
Được biết, sau khi khảo sát thống kê hiện trạng cổng làng toàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu, đề xuất phương án bảo tồn và xây dựng mới cổng làng tỉnh Bắc Ninh dựa trên quan điểm tuyên truyền, hướng dẫn xây dựng cổng làng gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, gắn với chương trình xây dựng Nông thôn mới... Việc tổ chức thực hiện cũng được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất liên quan đến chức năng nhiệm vụ của từng ngành, địa phương với nội dung cụ thể như: Xây dựng khung tiêu chuẩn cổng làng; Thiết lập ngân hàng mẫu cổng làng; cơ chế hỗ trợ...
Cố Giáo sư Từ Chi từng nhìn nhận, “Nếu giữ được cổng làng thì dù có đô thị hoá đến đâu làng vẫn không thể là phố…”.  Vì vậy, cổng làng truyền thống cần được bảo tồn và kịp thời tu bổ, tôn tạo. Việc xây dựng mới cổng làng nên chăng có một quy chuẩn chung để gìn giữ hồn cốt làng quê vùng Kinh Bắc, để cổng làng còn mãi với thời gian và là những hoài niệm đẹp trong cuộc đời mỗi người thôn quê.

Thanh Lâm