Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở đình làng Hồi Quan

18/07/2019 08:56 Số lượt xem: 2917
Đình làng Hồi Quan (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) có niên đại 1715, là một ngôi đình có những mảng chạm khắc trang trí rất đặc sắc. Trên mỗi chiếc đầu dư của đình Hồi Quan được nghệ nhân xưa tạc cả một ổ rồng cuộn trong mây…

 Nhiều bức cốn ở gian giữa (lòng giếng) và suốt từ xà nách lên các con rường cũng như ván ghép không có một diện tích nào trống trơn. Ván trên xà nách có rất nhiều hình rồng chạm lộng, rồng chạm theo bố cục dọc và theo chiều ngang. Ở đây cũng có khá nhiều hình tượng người cưỡi trên các đầu rồng. Đuôi các con rường trong các bức cốn này khi thì chạm hình rồng, khi thì chạm hình con nghê nằm ngửa gãi, mặt cười hóm hỉnh, tinh nghịch.

Qua tìm hiểu người dân trong làng cho biết nghệ thuật chạm khắc trang trí đình Hồi Quan có sự phong phú bởi sự hiện diện của bốn hiệp thợ cùng góp công góp sức. Góc bên trái đình phía trước chạm khắc đơn giản. Góc đình bên phải phía sau chạm khắc cảnh đánh vật và đôi gà chọi. Góc đình bên phải phía trước có bức chạm hình tượng con khỉ nằm ngửa miệng cười hả hê, đang trong động tác gãi, bằng những nét chạm khắc tinh tế, người nghệ nhân lột tả được tính hiếu động vui nhộn của con vật. (bức chạm này nay không còn lưu giữ tại đình, có thể đã bị mất hoặc được lưu giữ ở nơi khác). 

Trên các đầu bẩy và các ván nong đỡ đầu hoành các khối chạm diện tích rất lớn, tỷ mỷ. Các hình tượng rồng ổ, rồng mẹ luôn há miệng ngậm lấy tàu mái, khi thì luồn lách trong những tia mây lửa, nét mác, hoặc đùa nghịch với rồng con, đôi khi vui chơi với cả các con thú bốn chân nữa. Đặc sắc hơn cả có hai chiếc đầu bẩy ở hiên trước thuộc gian giữa, mặt bên trong chiếc đầu bẩy bên trái chạm hình con nghê đầu quay ngoặt lại, miệng nhoẻn cười. Chiếc đầu bẩy bên phải mặt ngoài tạc hình rồng mẹ, rồng con và con thú, mặt trong thêm vào mấy hình tượng ấy còn có cảnh người cưỡi ngựa, mình trần mặc váy, tay phải cầm đao, tay trái cầm mộc, chân dung diễn tả khá chi tiết, thể hiện trạng huống rất sinh động. 

 

Một bức cốn chạm khắc trên đình làng Hồi Quan


Nội thất tòa đại đình các hình chạm khắc tuy không nhiều nhưng làm tăng giá trị nghệ thuật của kiến trúc lên rất nhiều. Dưới bốn chiếc câu đầu thuộc ba gian chính, từ các đầu cột cái nhô ra sáu chiếc đầu dư. Những đầu dư này không chỉ được chạm một đầu rồng chạm lộng như nhiều ngôi đình khác, mà nhiều đầu dư chạm cả một ổ rồng cuộn trong mây. Riêng hai chiếc đầu dư phía ngoài thuộc nửa đình bên phải lại chạm nửa con rường trang trí đơn giản, nhưng cũng có một số con rường chạm thành hình hoa, mây, rồng và nghê, biểu hiện sức sống của thế giới sinh vật. Các cốn ngang trên xà đùi để trơn dành sự tập trung cho các bức cốn dọc thuộc gian giữa. Tuy vậy thỉnh thoảng trên các bức cốn ngang vẫn thấy một vài hình chạm khắc tinh tế, mềm dẻo. Có lẽ các nghệ nhân làm đình cố ý làm đơn giản các gian bên để tập trung cho các hình tượng chạm khắc công phu trên bốn bức cốn dọc của gian giữa. Bức cốn bên phải lòng giếng suốt từ xà nách lên các con rường và các ván ghép được chạm khắc nhiều mô típ hoa văn, không có một diện tích nào trống trơn. Từ xà nách trổ ra ba chạc, thấy trên một chạc bên có con nghê nhỏ đang nằm. Ván trên xà nách này có rất nhiều hình rồng chạm lộng, bố cục theo chiều dọc và theo chiều ngang. Thêm vào đó có cả hình người cưỡi trên các đầu rồng. Đuôi các con rường trong cốn này khi chạm đầu rồng, khi chạm hình con nghê nằm ngửa đang gãi, mặt nhìn xuống cười hóm hỉnh. Bức cốn ngoài bên trái lòng giếng có hình nghê nằm và người cưỡi lên đầu rồng. Ở đây cũng có dấu tích của những phiến đoạn nghệ thuật chạm khắc đã bị tháo ra. 
Những hình chạm khắc trang trí ở đình Hồi quan đều thống nhất một phong cách, một đặc trưng ngôn ngữ tạo hình cùng với các di tích xây dựng cuối thế kỷ XVII, đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật chạm khắc dân gian Việt Nam. Hầu hết trên các đầu dư, tai cột, ván nong, cốn, cửa võng… đều được chạm khắc trang trí theo các hình thức chạm nổi, chạm kênh bong. Các hình tứ linh, tứ quí, hình người, thú bốn chân là những mô típ trang trí chủ yếu. Trên ván nong có hình tượng rồng chầu mặt nguyệt được chạm nổi, có hình tượng cô tiên cưỡi trên lưng rồng, tay giang rộng như cánh phượng. Tại một bức cốn chạm hình người đánh đàn, hình tiên ngồi trên đầu nghê, hình đoàn người đang đua thuyền, cảnh đánh vật trong ngày hội mùa xuân… 
Qua mảng chạm khắc trang trí ở đình Hồi Quan cho thấy, nếu như ở một số ngôi đình mới chớm sang thế kỷ XVIII hình tượng con người đã vắng bóng, nét dân gian chỉ còn ở các con vật gần gũi với người lao động, thì ở đình Hồi Quan dựng năm 1715 vẫn giữ phong cách tạo hình của thế kỷ XVII. Đó chính là nét đặc sắc của những nghệ nhân làm đình thể hiện tinh thần ưa chuộng tự do, phóng khoáng trong sáng tạo nghệ thuật của người dân Kinh Bắc xưa.                     

Đỗ Hữu Bảng