Gia Phú gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử

25/01/2022 20:00 Số lượt xem: 2704
Hiện nay, trên địa bàn thôn Gia Phú (xã Bình Dương, Gia Bình) có 4 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp tỉnh. Bước vào thời kỳ đổi mới, những di tích ở thôn Gia Phú được các thế hệ người dân trong thôn quan tâm trùng tu, tôn tạo, gìn giữ, phát huy giá trị.  

 

Theo nhiều tài liệu ghi lại thì Gia Phú (còn gọi là Gia Phó), xưa được chia làm nhiều xóm nhỏ: Trại Đồng Dưới, trại Cụ Háu, trại cụ Thủ Thính, trại sông Cửa Đền. Do kiến tạo của thiên nhiên, xưa bao quanh thôn là các dòng sông, hằng năm mùa nước lũ tràn về, do địa hình thấp, nước ngập sâu, đường lầy lội, đi lại khó khăn. Nhân dân chủ yếu làm ruộng, đến vụ thu hoạch phơi thóc bằng nong, đi lại dùng thuyền nan, do vậy người dân các xóm sống tập trung lại vào một thôn gọi là Gia Phú. Thời phong kiến, khi cấp Tổng được thành lập, Gia Phú thuộc tổng Đại Lai, đầu thế kỷ thứ XIX, thuộc tổng Nhân Hữu. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Gia Phú được chuyển thành thôn, thuộc xã Bình Dương cho đến nay. Đặc điểm lịch sử cũng như điều kiện tự nhiên đã tạo ra vùng văn hóa đặc sắc. Riêng về các di tích, trên địa bàn thôn có tới 4 di tích lịch sử là đình Đông, đình Tây, đền và chùa Gia Phú (Gia Linh tự).
Đình Đông được khởi dựng từ thời Lê với quy mô lớn. Vào khoảng thế kỷ XVI - XVII, do đình nằm gần sông Cửa Đền thường xuyên bị ngập nước nên nhân dân đã chuyển đình về vị trí hiện nay nằm ở giữa thôn. Xưa đình có quy mô to lớn gồm: Đại đình 7 gian, Hậu cung 3 gian, hệ thống khung gỗ lim to, chắc chắn, phía trước có Tả vu, Hữu vu, bình phong và Nghi môn. Năm 1947, đình được dỡ bỏ làm hầm phục vụ kháng chiến. Năm 1957 nhân dân địa phương đã dựng lại 3 gian Đại đình để thờ phụng. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay gồm Đại đình và Hậu cung tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh, nhà bia, Nghi môn, sân gạch. Đình Đông thờ một vị thần là Càn Hải phu nhân, huý là Ả Nương - có công âm phù vua Lê Đại Hành đánh đuổi quân Tống xâm lược và âm phù Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược. Trong Đình giờ còn lưu giữ nhiều hiện vật, cơ bản thời Nguyễn và thế kỷ XX và XXI. Lễ hội đình Đông được tổ chức vào ngày 10-3 (âm lịch). Phần lễ có tế lễ, rước. Theo lời các cụ cao niên trong làng cho biết: Xưa kia khi tổ chức lễ hội, ngay từ hôm trước dân làng ra đền (cách đình Đông khoảng 1 km) quét dọn, sắm sửa hương hoa, chuẩn bị đồ tế lễ. Sáng ngày 10-3, đoàn rước tập trung tại đền sau đó rước kiệu từ đền về đình Đông làm lễ tế thánh. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như: Vật, cờ người, đu cây, kéo co...

 

Khu di tích lịch sử đình Đông thôn Gia Phú (Bình Dương, Gia Bình).


Đình Tây được khởi dựng vào thời Lê, đến thời Nguyễn, di tích được tu sửa. Đình xưa có quy mô to lớn gồm: Đại đình 5 gian 2 chái, Hậu cung 3 gian tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh. Phía trước Đại đình là Tả vu, Hữu vu, mỗi nhà 5 gian và bức bình phong. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đình bị phá hủy năm 1949 - 1950. Năm 1994 - 1995, nhân dân địa phương khôi phục lại đình làng. Năm 2014, Đình Tây được trùng tu, tôn tạo toàn bộ. Hiện nay, đình Tây gồm các công trình kiến trúc: Đại đình và Hậu cung, Nghi môn, sân gạch, công trình phụ trợ. Theo người dân nơi đây thì Đình Tây thờ phụng Đức thánh Côn Lang thuộc dòng dõi họ Hùng, người có công đánh giặc Thục vào thời vua Hùng Duệ Vương. Sau khi thắng trận, ngài thu quân trở về và đi qua trang Đồ Lỗ (nay là thôn Gia Phú) đóng quân và được nhân dân địa phương xin làm thần tử, khi làm yến đãi dân, trời nổi cơn mưa to gió lớn, có đám mây sa xuống và hóa tại đây. Đến đời vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp giặc, được Ngài âm phù. Vua Đinh, phong cho ngài là Côn Lang đại vương và ra tặng Bản cảnh Thành hoàng Ngưng Hưu chi thần. Đến đời vua Trần Thái Tôn, Lê Thái Tổ, Ngài lại có công âm phù giành thắng lợi, được gia phong Phả Tế Cương anh linh đại vương.
Đền Gia Phú được khởi dựng thời Lê, nằm ở phía Nam của làng, sát sông Cửa Đền. Xưa quy mô di tích to lớn gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, Tiền tế, Hậu cung, Giải vũ… Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị phá hủy chỉ còn lại tòa Hậu cung. Năm 2013, đền được trùng tu, tôn tạo. Hiện nay, đền gồm đền Thượng, đền Hạ, nhà Tạo soạn, sân vườn. Theo nhiều tài liệu thì đền Gia Phú thờ một vị thần là Càn Hải phu nhân, huý là Ả Nương - có công âm phù vua Lê Đại Hành đánh đuổi quân Tống xâm lược và âm phù Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi giặc Nguyên Mông xâm lược.
Chùa Gia Phú vốn được xây dựng từ lâu đời, nằm trong một khu đất cao và rộng ở phía Tây của làng. Thời Lê - Nguyễn, di tích được trùng tu tôn tạo. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), chùa bị phá hủy, chỉ còn tòa Thượng điện. Năm 1993, chùa được xây dựng lại trên nền đất cũ bình đồ kiến trúc hình chữ Đinh gồm: Tiền đường 5 gian và Thượng điện 3 gian. Qua nhiều lần tôn tạo, đến nay có các công trình: Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, công trình phụ trợ, sân vườn… nằm trong không gian thoáng rộng nhiều cây xanh.
Hòa nhịp cùng quê hương, đất nước, thôn Gia Phú hôm nay đang từng ngày đổi mới, vươn lên giàu mạnh. Đường cấp phối xưa kia giờ được thay thế bằng những con đường nhựa, đường bê tông to đẹp, các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, khắp các ngõ, xóm mọc lên những ngôi nhà tầng khang trang, hiện đại. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Gia Phú hôm nay ngày càng được nâng cao, song vẫn luôn trân trọng gìn giữ, phát huy giá trị các di tích cũng như giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đây chính là mạch nguồn, động lực để Gia Phú tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Lê Đại